Nằm ở phía Tây Bắc đảo chính Honshu, TP Takaoka nổi tiếng với nghề đúc kim loại. Thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Toyama này hiện chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường sản xuất kim loại đúc ở Nhật Bản. Giờ đây, đến với Takaoka, du khách không chỉ có cơ hội mua sản phẩm đúc kim loại (như bộ ấm trà Nhật Bản hay bình hoa làm bằng đồng) mà còn có cơ hội tự tay đúc ra những sản phẩm của riêng mình.
Một trong những điểm thu hút du khách tới trải nghiệm nghề đúc kim loại ở Takaoka là Nousaku. Công ty này bắt đầu sản xuất các đồ đúc kim loại vào năm 1916, chủ yếu là các đồ thờ cúng, bộ đồ dùng trong trà đạo và lọ hoa. Ông Katsuji Nousaku, Chủ tịch Công ty Nousaku, là một người đã có 18 năm kinh nghiệm trong nghề đúc kim loại trước khi gia nhập Công ty Nousaku vào năm 1984. Ông nỗ lực thúc đẩy loại hình du lịch này nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn quy trình tạo ra các sản phẩm đúc kim loại. Hiện nay, chương trình du lịch trải nghiệm tại Nousaku không chỉ hấp dẫn đối với các du khách là người cao tuổi mà còn cả với các em nhỏ. Khi đến đây tham quan, ông Richard Susili, một du khách người Indonesia, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi tự tay đúc ra một sản phẩm kim loại. Điều này giúp tôi hiểu hơn về quy trình sản xuất ra nhiều sản phẩm mà tôi thường sử dụng hàng ngày”.
Trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp cũng mang lại cảm giác thú vị cho du khách. Fukushima, vùng đất từng bị tàn phá trong thảm họa sóng thần năm 2011, nay đã được biết đến là “Vương quốc trái cây” hấp dẫn của Nhật Bản. Đến các nông trại của Fukushima, du khách được tham quan những nhà kính và khám phá phương pháp trồng rau thủy canh. Ngoài ra, du khách có thể đến vườn trồng trái cây như táo, đào, hồng, dâu tây và tự mình thu hoạch. Để phát triển du lịch nông nghiệp an toàn, các nông trại ở Fukushima còn tự phát triển các dịch vụ và các sản phẩm khác ngay tại vườn hay trang trại trái cây. Đó là những khu vườn rực sắc hoa xung quanh các nông trại, những quán cà phê phục vụ du khách với những món kem chế biến cùng trái cây theo mùa, quầy ép nước hay làm các loại kẹo làm bằng trái cây tươi.
Số liệu do Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) vừa công bố cho thấy, tổng lượng du khách nước ngoài đến quốc gia này trong tháng 3 vừa qua đạt hơn 1,8 triệu lượt. Đây là con số ấn tượng nhất trong một tháng kể từ sau khi Nhật Bản dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại vào tháng 10-2022.
Xét theo quốc gia/vùng lãnh thổ, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số lượng du khách đến Nhật Bản cao nhất trong tháng 3 với hơn 466.800 lượt, tương đương tỷ lệ phục hồi 79,9% so với cùng kỳ năm 2019. Theo JINTO, chi tiêu trung bình của một khách du lịch quốc tế từ tháng 1-2023 đến tháng 3-2023 là 185.616 yen (khoảng 1.400 USD), tương đương mức phục hồi 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Chuyên gia Takahide Kiuchi, Viện Nghiên cứu Nomura, dự báo, nếu đà phục hồi này được duy trì, mục tiêu 5.000 tỷ yen (khoảng 37 tỷ USD) chi tiêu của khách du lịch quốc tế mà Chính phủ Nhật Bản đặt ra trong năm nay sẽ không khó để đạt được, thậm chí có thể cán mốc 5.900 tỷ yen (khoảng 43 tỷ USD).
Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch Nhật Bản cho rằng, số lượng du khách quốc tế tăng vọt trong tháng 3 chủ yếu vì mùa ngắm hoa anh đào trong năm đầu tiên dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Kể từ ngày 8-5 tới, lượng du khách có thể còn tiếp tục tăng đột biến do Chính phủ Nhật Bản chính thức đưa dịch Covid-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm.