Xa nhà từ tuổi 12
Ánh Viên sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy ở miền Tây Nam Bộ. Cuộc sống của cô gắn liền với kênh rạch chằng chịt của vùng sông nước Cần Thơ. Và cơ duyên đầu tiên đưa cô gái đến với bơi lội cũng chính từ đó. Năm lên ba tuổi, gia đình từng hú vía vì Ánh Viên bị rơi xuống rạch nước bên hông nhà, vùng vẫy trong làn nước. Lúc đó, không ai trong nhà biết chuyện. Phải đến khi cô bé thân mình ướt nhẹp, quần áo dính đầy sình bước vào thì bố mẹ mới tá hỏa biết chuyện. Hóa ra, cô bé không hề sợ nước mà còn bình tĩnh lội rồi bám vào cây leo lên bờ.
Sau chuyện này, ông nội Ánh Viên đã quyết định phải dạy cô tập bơi. Cô bé từ nhỏ đã thích được vùng vẫy dưới nước, nghe đến việc được học bơi thì mắt sáng rực. Cũng chính lúc này, năng khiếu của "tiểu tiên nữ" bắt đầu bộc lộ khi chỉ cần bốn ngày là đã có thể tự nổi, uống nước không biết bao nhiêu lần mà không khóc, không sợ hãi. Một tuần sau, Ánh Viên có thể bơi thành thạo như sinh ra để vùng vẫy dư??i m??t nước vậy.
Đến năm 2006, khi đạt thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng huyện Phong Điền (Cần Thơ), Ánh Viên mới thật sự bén duyên với sự nghiệp vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp. Và quyết định gắn bó sự nghiệp trong màu áo quân đội là một thử thách vô cùng lớn của gia đình Ánh Viên lúc bấy giờ. Đại tá Nguyễn Văn Mộng, nguyên Giám đốc Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) kể lại: "Hồi đó trung tâm mới thành lập, cơ sở vật chất còn kém. Nhiều cơ sở huấn luyện khác hiện đại hơn ở Cần Thơ liên tục tìm đến để thuyết phục gia đình Ánh Viên. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi chúng tôi mới là đơn vị có được sự đồng tình của ông bà, bố mẹ của Ánh Viên".
Và từ ngày cô bé 12 tuổi dứt áo xa nhà, gắn cuộc đời mình với nghiệp VĐV, không ai có thể hình dung rằng sau này, Ánh Viên có thể trở thành một kiện tướng bơi lội, một kỷ lục gia không chỉ trên "đường đua xanh" mà còn cả trên... "đường quân ngũ". Với thành tích xuất sắc trong sự nghiệp, năm 17 tuổi Ánh Viên được phong quân hàm Thượng úy. Chỉ một năm sau, cô vinh dự trở thành một trong những Đại úy quân nhân chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất của lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không có quyền được khóc
Ánh Viên khác với nhiều VĐV trẻ sớm nổi tiếng khác ở Việt Nam. Khi đạt vinh quang tại SEA Games 28, cô gái này phát biểu: "Tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai.
Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì". Điều đáng nói, Ánh Viên trả lời trước báo giới quan điểm nêu trên sau khi giành được HCV nội dung bơi 200 mét tự do, phá kỷ lục SEA Games; nhưng quan trọng hơn, sau đó cô đã khóc - một việc cấm kỵ trong giáo án huấn luyện mà HLV Đặng Anh Tuấn đề ra suốt nhiều năm qua. Khóc không phải vì kỷ lục mà khóc vì vẫn còn phạm lỗi trong thi đấu, cho dù đã đoạt HCV và phá vỡ kỷ lục.
Năm 2011, Ánh Viên đoạt 10 HCV trong 10 nội dung đăng ký thi đấu tại giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc; tại SEA Games 2011, giành hai HCB ở nội dung 100 m bơi ngửa và 400 m hỗn hợp; năm 2012, vượt chuẩn B Ô-lim-pích ở nội dung 200 m bơi ngửa với thời gian 2 phút 13 giây 66, giành HCV, vượt bốn chuẩn B Ô-lim-pích tại Giải Bơi lội Đông-Nam Á và trở thành đại diện cho Việt Nam tại Ô-lim-pích 2012 trong các môn 200 m bơi ngửa và 400 m bơi hỗn hợp cá nhân; năm 2014, đoạt hai HCĐ nội dung 200 m bơi ngửa và 400 m hỗn hợp tại ASIAD 17, một HCV nội dung 200 m hỗn hợp tại Ô-lim-pích trẻ thế giới tại Nam Kinh (Trung Quốc), đồng thời phá kỷ lục đại hội; chín HCV và phá bảy kỷ lục tại giải vô địch bơi Đông-Nam Á; đoạt 18 HCV, trong đó lấy trọn 17 HCV cá nhân của nữ tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Tại SEA Games 28, Ánh Viên đoạt tám HCV và lập tám kỷ lục SEA Games. |
Phát biểu ý kiến trước báo giới, thầy của kình ngư Cần Thơ khảng khái nói: "Đi với tôi, Ánh Viên không bao giờ được khóc. Ánh Viên từng khóc một lần vào dịp Tết Nguyên đán 2013 khi đang ở Mỹ. Tôi đã nói, nếu con muốn đón Tết thì bây giờ cứ xách va-li, thầy sẽ đưa con ra sân bay về nước. Còn nếu muốn tiếp tục rèn luyện thì con không thể suy nghĩ về những điều như thế". Câu chuyện đó dường như là kim chỉ nam duy nhất giúp Ánh Viên vững bước, tự tin vào con đường chông gai đã chọn lựa bằng việc "nuốt" trọn giáo án bơi mỗi ngày từ 20 đến 25 km, với nhiều cự ly và tốc độ biến thiên khác nhau. Khối lượng bài t??p ấy chia làm hai buổi mỗi ngày và một buổi còn lại rèn thể lực với tạ. Không ít lần, cô gái trẻ mệt mỏi đến nỗi nôn "mật xanh mật vàng" nhưng rồi lại nén lòng, nuốt nước mắt, tiếp tục nhảy xuống nước trong sự dõi theo nghiêm khắc của HLV Đặng Anh Tuấn. Cứ như vậy, năm năm liền hai thầy trò rong ruổi trong những chuyến tập huấn dài ngày đến nỗi không một lần được đón Tết ở quê nhà. Bao nhiêu khổ cực nhưng Ánh Viên chưa một lời than vãn, nhất là đối với người thầy, người cha thứ hai như cô từng nói. Là người nhận ra khả năng của Ánh Viên ngay khi cô được tuyển lên Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh, HLV Đặng Anh Tuấn luôn nghiêm khắc, sát cánh với cô ở mỗi bước tiến trong tập luyện và thi đấu. Ánh Viên xúc động khi nói về người thầy đáng kính: "Trong suốt quãng thời gian tập huấn ở Mỹ, chính thầy là người nấu ăn, lái xe, huấn luyện và làm tất cả mọi việc khác để tôi có thể tập trung tinh thần cho việc bơi lội". Nhưng điều nổi bật ở HLV Đặng Anh Tuấn lại là tính nguyên tắc và tỉ mỉ. Ông không cho phép Ánh Viên ngơi nghỉ, thậm chí buộc cô phải sẵn sàng vượt qua những giáo án ngày càng khắc nghiệt. Lý giải cho phong cách huấn luyện đó, thầy Tuấn chỉ nói ngắn gọn: "Thể thao vốn đã khắc nghiệt. Nếu bạn không thắng cũng có nghĩa là bạn đã thua". Có thể nói, nếu không có HLV Đặng Anh Tuấn, không có sự khắc nghiệt mà người thầy này "dành tặng" thì Ánh Viên liệu có ngày hôm nay?!
Chưa bao giờ coi mình là siêu sao Cô gái trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ có tình yêu, thói quen duy nhất là bơi lội. Một ngày cô không biết làm gì khác ngoài ăn ngủ và tập luyện. Và khi có người hỏi: "Em có nghĩ mình là một siêu sao?". Ánh Viên trả lời đầy chân thành: "Em không nghĩ mình là siêu sao, vì nếu vậy em không biết mình phải làm gì trong chặng đường tiếp theo". Câu trả lời đã thể hiện rõ khát vọng và sự mạnh mẽ trong "tâm hồn 18" của kiện tướng bơi lội Việt Nam. HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định: "SEA Games không phải là con đường phát triển duy nhất của Ánh Viên, nó chỉ là một trong những cột mốc nằm trong kế hoạch dài hơi đưa cô trở thành một VĐV lớn thực sự". Quả thật, áp lực mới là con đường ngắn nhất đưa người trẻ trưởng thành, nhất là đối với Ánh Viên vào thời điểm này. Cô gái trẻ đã thi đấu thăng hoa tại SEA Games 28, đó là thành quả sau nhiều năm tập luyện gian khổ. Ánh Viên ngay lúc này có quyền hưởng thụ vinh quang, thế nhưng cô chọn cách giữ "đầu lạnh" và đôi chân trên mặt đất để có thể vươn tới những danh hiệu cao quý hơn nữa tại ASIAD và Ô-lim-pích.