Hai năm trước, giải tổ chức ở LB Nga, xếp nhất, nhì, ba toàn đoàn lần lượt là các đội tuyển Nga, Mỹ và Jamaica. Tại Moscow, đoàn Mỹ giành 6 HCV, 14 HCB, 5 HCĐ. Năm 2015, họ có 130 VĐV dự giải với 5 nhà vô địch: Eaton 10 môn phối hợp, Merritt 400m nam, Oliver 110m rào nam, Reese nhảy xa nữ và Rollins 100m rào nữ. Ngoài ra, còn có những tên tuổi sáng giá khác: T.Gay, J.Gatlin (nội dung chạy 100m, 200m nam), A.Felix (200m nữ), cùng nhiều gương mặt xuất sắc khác ở các cự ly tiếp sức trung bình 4x100m và 4x400m nam và nữ.
Thời gian qua, các tuyển thủ “xứ cờ hoa” ráo riết luyện tập, tham gia các giải đấu quốc tế và đạt thành tích khả quan. J. Gatlin chạy 100m nam hết 9 giây 74, thành tích tốt nhất trong năm đến thời điểm này; bốn lần hoàn thành cự ly 200m với thời gian dưới 20 giây. Trong khi kỷ lục gia U. Bolt (Jamaica) chỉ đạt 10 giây12 và 20 giây 13 ở hai nội dung trên. Các VĐV Mỹ đã phần nào chứng tỏ sức mạnh ở giải World Relays 2015 tại Bahamas, khi thống trị ở các nội dung 4x100m và 4x400m nam, nữ. Kể từ năm 2001 đến nay, ngoại trừ năm 2013 xếp thứ hai, các năm còn lại: 2001, 2003, 2005, 2007, 2009, 2011 họ đều cán đích đầu tiên. Chính vì vậy, đội tuyển Mỹ đến Trung Quốc lần này với quyết tâm và tham vọng giành lại ngôi số 1.
Năm 2013, với lợi thế sân nhà, sự cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên nhà, đội tuyển Nga đã bước lên bục vinh quang, đoạt 7 HCV (nội dung 20km đi bộ nam, 20km đi bộ nữ, nhảy xa nam, 4x400m tiếp sức nữ, nhảy cao nữ, nhảy sào nữ và ném tạ xích nữ), 4 HCB (50km đi bộ nam, 20km đi bộ nữ, nhảy 3 bước nữ, 800m nữ) và 6 HCĐ (110m rào nam, 4x400m tiếp sức nam, ném lao nam, 400m nữ, ném lao nữ, nhảy cao nữ). Năm nay, họ chỉ còn Menkov (HCV nhảy xa nam) góp mặt, sáu nhà vô địch còn lại vì nhiều lý do khác nhau không thi đấu. Tuy nhiên trong đội hình vẫn còn ba nhà quán quân t??ng đăng quang ở đấu trường Olympic: Ukhov, Chicherova và Antyukh; cùng các tài năng trẻ: S. Subenkov, P.Ivashko, Y.Subbotina, K.Zadorina… Các VĐV Nga đặt mục tiêu nằm trong tốp ba đội dẫn đầu chung cuộc. Tuy nhiên, họ sẽ phải dè chừng sự cạnh tranh trực tiếp đến từ hai đối thủ Jamaica và Kenya.
Đoàn Jamaica có 53 VĐV tham gia, trong đó hai “át chủ bài” U. Bolt và S.Pryce t??ng đóng góp 4/6 HCV tại giải lần trước ở các cự ly chạy 100m – 200m nam và nữ. Thêm vào đó, là thế mạnh ở cự ly 4x100m và 4x400m nữ với những tên tuổi đã thành danh: V.Campbell, N.Morrison, S.Simpson. Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng thành công của các tuyển thủ quốc gia Trung Mỹ này là tương đối lớn, bởi họ có hệ thống đào tạo bài bản từ các cấp học phổ thông với các HLV điền kinh chất lượng rồi đến hệ thống các CLB đào tạo chuyên nghiệp.
Tiếp đến là đội tuyển Kenya. Thế mạnh của họ là các VĐV chạy cự ly trung bình, đường dài và vượt chướng ngại vật đạt đẳng cấp hàng đầu. Trong 46 anh tài góp mặt, đoàn Kenya chỉ thiếu Cheywa, HCV nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, năm 2013, do bị chấn thương. Còn lại trong danh sách đăng ký có nhiều tài năng: D.Rudisha (800m nam), B.Kiputo (3.000m nam), V. Lagat (1.500m nữ), J. Sumgong (marathon nữ)... Hai năm trước, họ xếp thứ tư toàn đoàn, năm nay, các VĐV Kenya phấn đấu đạt kết quả tốt hơn, đem vinh quang về cho tổ quốc nói riêng và châu Phi nói chung.
Bên cạnh đó, còn nhiều ngôi sao đ??ợc giới chuyên môn đánh giá sẽ làm nên chuyện ở giải năm nay. Đó là: VĐV nhảy sào 28 tuổi người Pháp R.Lavillenie, hiện giữ kỷ lục 6m16, vượt qua thành tích 6m15 của huyền thoại S. Bubka (Ukraina). VĐV Mo Farah (Anh), người thường giành chiến thắng ở hai cự ly 5.000 và 10.000m nam tại các cuộc tranh tài lớn quốc tế từ năm 2010 đến nay. VĐV G. Dibaba (Ethiopia), chạy 1.500m nữ với thời gian 3 phút 50 giây 08, phá kỷ lục 3 phút 50 giây 46 của Qu Yunxia (Trung Quốc) lập năm 1993. Nam VĐV D. Kimetto (Kenya), HCV nội dung marathon với thành tích 2 giờ 2 phút 57 giây, người đầu tiên hoàn tất chặng đua đường trường với thời gian ít hơn 2 giờ 3 phút.
Với khẩu hiệu nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, người hâm mộ hy vọng sẽ có nhiều kỷ lục mới được lập khi giải khép lại vào ngày 30-8.
Genzebe Dibaba, niềm hy vọng của điền kinh Ethiopia.